Bên cạnh vật liệu và thiết bị, cách thiết kế phòng tắm cũng có nhiều thay đổi và một trong những xu hướng gần đây là phòng tắm “mở”.
Theo quan niệm cũ, phòng tắm là “công trình phụ”. Hoạt động tắm rửa (cùng các hoạt động vệ sinh khác) mang yếu tố sức khỏe hoặc sinh lý nhiều hơn là tâm lý nên phòng tắm (và phòng vệ sinh) thường bị đẩy ra chỗ xa nhất, xấu nhất, tối nhất và xây khép kín.
Trong tư duy của mọi người ngày nay, phòng tắm còn là nơi thư giãn tinh thần nên bắt đầu có sự ưu ái về diện tích, vị trí; được đầu tư thiết kế, trang bị tiện dụng hơn và được khoe ra.
Những phòng tắm tiện nghi ngày càng được kéo về sát phòng ngủ để tiện dụng cho sinh hoạt, thay vì nằm ở những vị trí xa như trước.
Và như một thứ luật bất thành văn đối với các kiến trúc sư; phòng ngủ chính (master bedroom) phải có phòng tắm riêng. Đối tượng sử dụng hai không gian liền kề nhau này thường là vợ chồng trẻ hoặc trung tuổi. Không ngần ngại xóa bỏ khoảng cách giữa phòng tắm và phòng ngủ, những bức tường bị phá bỏ, những cánh cửa gỗ đặc cũng không cần thiết phải tồn tại mà thay bằng những vách kính từ mờ ảo đến trong suốt; thậm chí ở một số trường hợp phòng ngủ đủ rộng thì phòng tắm nằm luôn trong phòng ngủ chẳng cần ngăn cách gì. Đó là kiểu phòng tắm “mở” vào trong.
Việc “mở” phòng tắm cũng là giải pháp kiến trúc – nội thất trong nhiều trường hợp. Ví dụ khi phòng tắm kế liền phòng ngủ nhưng không thoáng, sáng nên sử dụng vách kính là một giải pháp chiếu sáng xuyên phòng. Hoặc nếu phòng ngủ không lớn, “mở” phòng tắm giúp làm rộng tầm nhìn, tạo cảm giác diện tích to hơn thực tế.
Bên cạnh phòng tắm “mở” vào trong là phòng tắm “mở” ra ngoài. Chúng có khoảng trống, tầm nhìn hướng ngoại và được mở rộng (bằng cửa sổ lớn, vách kính, hoặc bỏ trống hoàn toàn) để tận hưởng không gian, thiên nhiên. Các phòng tắm có trang bị hệ thống thiết bị tắm thư giãn (như bồn tắm, bồn sục…) nên được nghiên cứu tính toán “mở” ra ngoài để tạo cảm giác thoải mái, sảng khoái.
Những phòng tắm “mở” ra ngoài thường đòi hỏi một khoảng cách an toàn. Ví dụ như phòng tắm trên tầng cao không có công trình nào ở cự ly gần nhìn vào; nếu ở tầng trệt thì phải có một khoảng đất hoặc vườn của mình để tránh người qua lại.
Trong nhiều trường hợp bị hạn chế về không gian hay mặt thoáng, phòng tắm “mở” ra giếng trời cũng là một giải pháp mang lại hiệu quả nhất định nhưng phải đảm bảo giếng trời kín đáo, tránh bị “chiếu” từ các vị trí khác trong nhà.
Ngoài những mặt tích cực, phòng tắm “mở” cũng bộc lộ những nhược điểm. Mới nhìn, dù là ở bản vẽ phối cảnh 3D hay ngoài thực tế lúc mới thi công xong, hầu như ai cũng thấy ấn tượng và thích thú phòng tắm mở kế bên phòng ngủ nhưng khi sử dụng lại khác.
Văn hóa Á Đông nói chung vẫn đề cao sự kín đáo và điều đó ăn sâu vào tâm lý mỗi người. Nhiều khách hàng sau khi đồng ý với phương án thiết kế phòng tắm mở của kiến trúc sư đã ân hận vì thấy lộ quá, hở quá, bất tiện cho sử dụng và sinh hoạt. Ở một góc độ khác, phòng tắm không chỉ để tắm, khó có thể phơi bày toàn bộ hoạt động nên sau một thời gian sử dụng, một số gia chủ phải lắp thêm mành, rèm.
Ngoài ra, những phòng tắm “mở” ban đầu thường được dành cho những đôi vợ chồng trẻ. Tới lúc không còn trẻ nữa, người ta sẽ nghĩ khác và đóng dần nhà tắm.
Với những phòng tắm “mở” ra ngoài, người tắm dễ có cảm giác lo lắng, e sợ ai đó nhìn thấy, đặc biệt là phái nữ. Nhiều khi, tiếng động ngoài tự nhiên như gió thổi, lá rơi hay con vật gì đó chạy nhảy bên ngoài cũng khiến người sử dụng giật mình. Sự rộng mở và khoáng đạt của không gian, thiên nhiên chưa hẳn đã làm cho tâm lý thoải mái nếu như giải pháp thiết kế chưa thấu đáo.