Để xây được một công trình vững chắc, bền bỉ thì không thể thiếu những loại vật liệu như: xi măng, sắt thép, đá, cát,… Ngoài ra, sự xuất hiện của đá mi cũng làm phong phú thêm thị trường vật liệu xây dựng, cho các nhà đầu tư thêm lựa chọn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về đặc tính cũng như tính ứng dụng của đá mi trong các công trình xây dựng.
1. Phân loại đá mi
Sự ra đời của đá mi đã góp phần làm đa dạng thêm nguyên vật liệu của ngành xây dựng. Đây là loại đá có kích thước tương đối nhỏ (được xếp vào nhóm đá có kích thước bé nhất), có hai loại cơ bản là đá mi bụi và đá mi sàng.
Theo quan sát bằng mắt thường, kích thước đá mi thực tế đạt mức 5mm đến khoảng 15mm, có màu trắng đục hoặc xanh. Thực chất, loại vật liệu này chính là phụ phẩm của những tảng đá có kích thước lớn sau khi được khai thác. Tuy nhiên, dù là phụ phẩm thì chúng vẫn được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mang về lượng lớn doanh thu cho nhà sản xuất và đáp ứng được nhu cầu xây dựng của thị trường. Vậy phân loại của chúng khác nhau như thế nào?
Đá mi bụi là gì
Đá mi bụi (thường được gọi với tên khác là đá mạt, bột đá) là từ dùng để chỉ những loại đá có kích thước bé hơn 5mm. Phần lớn chúng được hình thành từ quy trình nghiền nát, sàng lọc đá 1×1 hoặc 1×2. Giá đá mi bụi thường sẽ thấp hơn so với giá đá mi sàng.
Đá mi sàng là gì
Đá mi sàng có tên gọi phổ biến khác đó là mạt đá, đá 0.5- một loại vật liệu xây dựng có kích thước giao động từ 5 đến 14mm. Để có được sản phẩm đá mi sàng chất lượng, nhà sản xuất thường chọn nguyên liệu đầu vào là đá 1×2, 2×3 hay 4×6,…
Để sử dụng đúng mục đích, cần phân biệt rõ đá mi xây dựng với các loại đá thông thường khác
2. Đặc điểm và ứng dụng của các loại đá mi
Trên thực tế, kích thước đá mi sàng lớn hơn đá mi bụi (đây là điểm khác biệt lớn nhất), còn về cơ bản thì tương tự nhau về đặc điểm và ứng dụng.
Những đặc điểm nổi bật
Tùy thuộc vào từng cơ sở sản xuất, đá mi bụi sẽ mang một số đặc tính nổi bật riêng biệt, tuy nhiên phần lớn chúng đều có những đặc điểm sau:
– Thứ nhất, thành phần sẽ phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào là đá vôi, đá xanh, đá tự nhiên,…
– Thứ nhì, nhờ đặc tính bóng và mịn, đá mi hoàn toàn có thể thay thế cát xây dựng mà vẫn đảm bảo được độ bền, tính thẩm mỹ cho công trình.
– Thứ ba, so với cát, khả năng thoát nước của đá mi thấp hơn, vì vậy khi sử dụng làm vữa sẽ cần nhiều thời gian hơn để đạt công dụng kết dính.
– Thứ tư, sử dụng đá mi giúp tiết kiệm chi phí hơn so với sử dụng cát, đồng thời giúp khai thác triệt để đá từ thiên nhiên (tránh việc lãng phí chỉ sử dụng đá to, bỏ phần gọt đẻo như trước đây).
Đá mi có đặc tính bền bỉ và đẹp mắt, phù hợp với yêu cầu của nhiều hạng mục công trình
Ứng dụng rộng rãi trong thi công công trình
Với những đặc điểm nổi bật nêu trên, đá mi hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, phổ biến như:
– Đây là vật liệu tương đối phổ biến trong các sản phẩm bê tông nhựa nguội, nhựa nóng. Thậm chí tại một số nơi đã trực tiếp rải chúng lên bề mặt đường ngay sau khi hoàn thành bằng nhựa nóng.
– Là chất phụ gia lý tưởng cho những hạn mục đúc bê tông ống cống; nguyên liệu không thể thiếu khi sản xuất gạch nung, tấm đan bê tông, gạch Block, gạch táp lô,…
– Sử dụng đá mi để san lấp bề mặt công trình đang thi công, rải lên nền nhà,…
– Thay thế cho cát trong quá trình đổ bê tông sàng, xây tường rào, hàng chắn,…
Tùy thuộc hạng mục xây dựng sẽ sử dụng đá mi sàng hay đá mi bụi
2. Bê tông đá mi
Với cấu trúc bề mặt đa góc cạnh, đá mi đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thi công bê tông. Khi pha trộn chúng với xi măng, khả năng tạo độ nhám và kính dính rất cao. Từ đó cho ra một sản phẩm chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế và tiết kiệm chi phí sửa chữa. Ngoài ra, vật liệu này còn có tính phổ biến, luôn đáp ứng được nhu cầu thị trường và giúp cân bằng được sự khai thác cát từ thiên nhiên.
Bê tông đá mi thực chất là quá trình pha trộn giữa xi măng và đá mi thay vì đất cát thông thường. Tùy thuộc nguyên liệu lựa chọn là đá mi sàng hoặc đá mi bụi mà sẽ cho thành phẩm khác nhau.
– Bê tông sử dụng đá mi bụi sẽ cho thành phẩm có tính chất mịn và bóng, ứng dụng chủ yếu trong lĩnh vực làm bê tông nóng, nhựa nguội, nền nhà,… Đặc điểm nổi bật là chịu được cường độ cao và dễ dàng thi công.
– Bê tông sử dụng đá mi sàng cũng cho thành phần tương đối mịn, tuy nhiên do kích thước hạt không đều (từ 3mm đến 14mm) nên bề mặt bê tông sẽ có độ nhám nhất định. Độ bền bỉ và khả năng chịu tác động lực của loại vật liệu này có phần cao hơn bê tông đá mi bụi.
Sử dụng đá mi cho công trình bê tông là ứng dụng phổ biến nhất hiện nay
Bê tông đá mi đổ sàn cho độ bền và chắc chắn
Bên cạnh độ bền bỉ theo năm tháng thì công trình được xây dựng bằng bê tông đá mi thường ít tổn thời gian bảo hành, cách nhiệt tốt và không bắt lửa. Vì vậy, chúng thích hợp cho những công trình đòi hỏi tuổi thọ lớn.
Đá mi thường sẽ có chi phí thấp hơn so với cát, do đó công trình sử dụng vật liệu thay thế này có thể giúp tiết kiệm một khoản chi phí tương đối lớn.
Để đảm bảo tối ưu chất lượng công trình, trong quá trình thi công nếu có kết hợp bê tông đá mi với các loại đá khác cần phải tuân thủ tỷ lệ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Công thức tham khảo bê tông XM PCB30 – đá mi 0.5 là:
Mác 200: 1XM sẽ có tỷ lệ 3.5 cát : 6.5 đá : 1.5 nước.
Mác 250: 1XM sẽ có tỷ lệ 2.5 cát : 5.5 đá : 1.25 nước.
Quy trình trộn bê tông đá mi
Tương tự như bê tông truyền thống, bê tông đá mi có thể được trộn bằng tay hoặc bằng máy theo các bước sau:
Bước 1: Nắm rõ tỷ lệ pha trộn các nguyên liệu như đá, xi măng, đá mi, nước,…
Bước 2: Cho lần lượt các nguyên liệu đã chuẩn bị vào vị trí trộn.
Bước 3: Bật máy và tiến hành trộn cho đến khi không còn xuất hiện bột xi măng trong hỗn hợp (đối với trộn bằng tay cũng được tiến hành tương tự, cần lưu ý trộn đều tay trong một diện tích nhất định để tránh hao hụt thành phẩm).
Bước 4: Cho hỗn hợp lên xe đẩy và di chuyển đến vị trí cần thi công.
Quá trình trộn bê tông phải tuân thủ tỷ lệ và các bước như đã đề cập
Những lưu ý cần biết trong quá trình pha trộn
Để đảm bảo chất lượng thành phẩm và độ bền cho công trình, quá trình thực hiện cần lưu ý những vấn đề sau:
– Nếu thiếu hụt lượng bê tông cần thiết thì thực hiện lại quy trình từ bước 1 và phải luôn đảm bảo đúng, chuẩn tỷ lệ.
– Trong quá trình trộn, nếu hỗn hợp không đạt yêu cầu, cụ thể là quá đặt thì từ từ thêm nước vào, ngược lại nếu quá lỏng thì cho thêm nguyên liệu như cát, đá mi, xi măng theo tỷ lệ phù hợp.
– Để tránh lãng phí vật liệu, nên trộn với lượng vừa đủ và khi cần cho thêm bất cứ nguyên liệu nào thì đổ lượng nhỏ, chậm rãi cho đến khi đạt yêu cầu.
3. Những nguyên tắc cần biết khi chọn mua đá mi
Hiện nay, trong thị trường vật liệu xây dựng có rất nhiều nhà cung cấp đá mi với mức giá, chất lượng khác nhau. Để có được sản phẩm chất lượng nhất, cần lưu ý một số vấn đề sau trong quá trình chọn mua:
– Chọn mua tại cơ sở uy tín, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và chọn nhập đá mi, bởi ở những bãi đá khác nhau sẽ cho chất lượng thành phẩm khác nhau.
– Tránh việc mua tại những cơ sở có giá thành quá thấp so với mặt bằng chung.
– Tùy thuộc vào từng giai đoạn khác nhau, các yếu tố tác động khác nhau, giá đá mi sẽ có sự chênh lệch nhất định.
– Nên lựa chọn loại xe vận chuyển phù hợp, tránh việc rơi rải trên dọc đường dẫn đế hao hụt.
– Để tiết kiệm tài chính tối đa, nên tìm hiểu nhiều tại nhiều địa điểm khác nhau để tham khảo chính xác giá đá mi.
– Nhằm bảo đảm tối ưu chất lượng công trình thi công, nên tìm hiểu và chọn mua loại đá phù hợp, tránh việc nhầm lẫn giữa đá mi bụi và đá mi sàng.
Tùy từng cơ sở, bãi đá khác nhau sẽ cho chất lượng đá mi khác nhau
Bài viết trên đây của Batdongsan.com.vn đã đề cập đến đá mi – loại vật liệu xây dựng đang khá phổ biến, hi vọng đã giúp bạn đọc bỏ túi những kinh nghiệm cần thiết khi chọn mua loại vật liệu này. Nếu cần được hỗ trợ, nhà đầu tư nên chọn các cơ sở có uy tín để được tư vấn trước khi lựa chọn đá mi làm nguyên vật liệu thi công cho công trình của mình.
Hà Linh