Tủ bếp khung bê tông hay tủ bếp xi măng được ứng dụng trong khá nhiều gia đình. Nếu so sánh với tủ bếp gỗ thì tủ bếp xi măng có độ bền cao hơn nhưng cũng tồn tại nhiều hạn chế xét cả về thẩm mỹ và công năng sử dụng.

Tủ bếp là hạng mục quan trọng và có tần suất sử dụng cao nhất trong gia đình. Vì thế mà phương án thiết kế, thi công tủ bếp luôn được chú trọng sao cho đáp ứng được nhu cầu sử dụng, cân bằng giữa tính thẩm mỹ, độ bền và chi phí. Trong việc thiết kế tủ bếp ngày nay, bên cạnh các vật liệu phổ biến như gỗ, inox, nhựa, nhiều gia chủ cũng lựa chọn xây khung bê tông để đảm bảo độ bền. Vậy tủ bếp khung bê tông có những ưu nhược điểm gì? Và có nên làm tủ bếp khung bê tông hay không?

Ưu điểm của tủ bếp bê tông

Bền bỉ theo thời gian

Một trong những ưu điểm khiến tủ bếp bê tông được nhiều người lựa chọn đó là độ bền cao. Sử dụng tủ bếp bê tông, bạn sẽ không cần phải lo lắng về vấn đề tuổi thọ bởi bê tông không bị mối mọt, thấm nước, ít hư hại theo thời gian do các tác nhân môi trường.

Chắc chắn

Các vật liệu làm tủ bếp khác không thể so sánh với xi măng về độ cứng hay khả năng chịu va đập, trầy xước. Sử dụng tủ bếp bê tông, gia chủ có thể thoải mái đặt vật nặng hay băm chặt thức ăn phía trên mà không làm hỏng tủ.

Tủ bếp khung bê tông không bị mối mọt, ít bị hư hại bởi các tác nhân môi trường.

Giá thành rẻ

Nếu như các vật liệu làm tủ bếp khác như gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp, nhựa có giá từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng tính trên mỗi mét dài thì giá tủ bếp xi măng lại thấp hơn đáng kể.

Đảm bảo tính thẩm mỹ

Những thiết kế tủ bếp bằng xi măng theo phong cách hiện đại sở hữu vẻ đẹp vô cùng thời thượng, đẳng cấp, thể hiện nét cá tính của chính chủ nhân căn nhà. Ngoài ra, người ta cũng có thể ốp gỗ hoặc nhựa bên ngoài tủ bếp khung bê tông để đảm bảo tính thẩm mỹ.

Nhược điểm của tủ bếp bê tông

Chiếm diện tích

Vách tủ bếp thông thường có độ dày chỉ khoảng 18mm còn vách tủ bếp xi măng có độ dày ít nhất 100mm. Như vậy, với chiều dài tủ bếp khoảng 3-4m mà chia 3-5 ngăn bằng 4-6 vách thì chiều dài tủ bếp còn lại sẽ giảm đi 400-600mm, điều này làm giảm không gian lưu trữ. Với phòng bếp có diện tích rộng rãi, con số này có thể không ảnh hưởng gì nhưng với phòng bếp nhỏ hẹp thì đây cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Không thể di chuyển

Nếu sử dụng tủ bếp bằng gỗ, nhựa hay nhôm kính, gia chủ có thể tháo rời, di chuyển đến những vị trí khác nhưng với tủ bếp xi măng thì không thể. Tủ bếp bê tông được xây cố định, nếu muốn thay đổi vị trí bếp, gia chủ phải phá bỏ và xây lại tủ bếp khác.

Kém linh hoạt

Cũng vì được xây cố định mà tủ bếp bê tông rất khó chia lại các ngăn tủ nếu trong quá trình sử dụng có bất tiện. Chưa kể, bề mặt nhám của tủ bếp bê tông khiến công việc vệ sinh tủ bếp không hề dễ dàng chút nào.

Kén không gian

Trên thực tế, do tính chất thô mộc của tủ bếp bê tông mà không phải thiết kế nhà nào cũng phù hợp để ứng dụng kiểu tủ bếp này. Một nhược điểm nữa là tủ bếp bê tông thường có mùi ẩm thấp của gạch lát hoặc xi măng.

Có thể tốn chi phí, thời gian, đòi hỏi tay nghề cao

Tủ bếp bê tông nếu muốn đảm bảo tính thẩm mỹ thì ngoài xây dựng khung bê tông, gia chủ sẽ phải tiêu tốn một khoản chi phí đáng kể dành cho xử lý bề mặt hay ốp, dán các chất liệu khác xung quanh. Ngoài ra, tất cả cá bản lề, phụ kiện như giá kéo, giá xoay không thể bắt trực tiếp vào bê tông mà phải cần đến một vật liệu đệm khác rồi mới bắt các phụ kiện này lên. Cách làm này sẽ làm giảm hiệu suất sử dụng do nhiều liên kết chồng lên nhau, làm giảm khả năng chịu lực và độ chính xác của phụ kiện khi hoạt động.

Mặt khác, cho dù được tính toán kỹ càng nhưng trong quá trình thi công chưa chắc đảm bảo độ chính xác tuyệt đối nên chỉ cần tường xây có gạch ốp hơi nhỉnh ra dù chỉ vài mm cũng sẽ gây khó khăn cho những phần thi công còn lại. Điều này đòi hỏi thợ thi công phải có tay nghề cao và bề dày kinh nghiệm.

Có nên làm tủ bếp khung bê tông?

Với những ưu, nhược điểm trên, có thể thấy rằng nên sử dụng tủ bếp bê tông hay không còn phụ thuộc vào kiến trúc nhà ở và sở thích, nhu cầu của gia chủ. Nhưng nhìn chung, thiết kế tủ bếp bê tổng chỉ thích hợp với những ngôi nhà có diện tích lớn, được thiết kế theo phong cách thô mộc, sử dụng các mảng bê tông là chính. Với nhà diện tích nhỏ, nhà chung cư hay với một số phong cách thiết kế nội thất như cổ điển, tân cổ điển thì tủ bếp bê tông sẽ không phù hợp vì chiếm nhiều diện tích và gây lệch tông.

Lưu ý khi làm tủ bếp bê tông

Như vậy, so với các chất liệu làm tủ bếp khác, tủ bếp bê tông vừa có ưu điểm nhưng cũng tồn tại nhiều nhược điểm. Tùy thuộc vào nhu cầu, sở thích và kinh phí mà gia chủ quyết định có làm hay không. Khi chọn làm tủ bếp khung bê tông, gia chủ cần lưu ý những điều sau:

  • Gia chủ cần tính toán cẩn thận trước xem ngăn nào đựng đồ gì, từ đó lên bản vẽ chi tiết cho tủ bếp và phân chia các ngăn, đợt tủ cho hợp lý nhằm đảm bảo tủ xây lên phù hợp với nhu cầu sử dụng, tránh trường hợp xây xong rồi muốn sửa lại cũng không được.
  • Để hạn chế tình trạng tủ bếp bê tông bị ẩm thấp, có mùi hôi thì cần làm lỗ thoát nước cho các ngăn tủ. Cách làm như vậy cũng đảm bảo thuận tiện khi gia chủ muốn chà rửa, vệ sinh tủ.

(zingcons)