Không phải ai cũng có cơ hội xây nhà lần hai, lần ba nên phần lớn mọi người thường thiếu kinh nghiệm trong việc tính toán chi phí xây nhà. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách ước lượng chi phí xây nhà sát nhất với chi phí thực tế, giúp gia chủ chuẩn bị kỹ lưỡng cho công cuộc xây nhà của mình.
Giả sử bạn có mảnh đất trống để chuẩn bị xây nhà hay một ngôi nhà cũ đã phá bỏ để xây mới, việc dự trù chi phí xây nhà ống sẽ bắt đầu từ đây.
Để cho dễ hiểu, hãy cùng dự trù kinh phí cho mảnh đất 4x12m, quy mô xây dựng 3 tầng 1 tum. Đây là diện tích và quy mô thường gặp của nhà ống hiện nay, tùy vào diện tích và quy mô xây dựng mà chủ đầu tư thêm, bớt chi phí cho phù hợp.
Dự trù kinh phí trước giai đoạn xây nhà
Để việc xây nhà diễn ra thuận lợi, chúng ta cần chuẩn bị trước, tránh để rơi vào thế bị động.
Giai đoạn chuẩn bị trước cho quá trình xây nhà bao gồm những chi phí liên quan đến thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng, hồ sơ thiết kế thi công nhà ống. Đây là hai điều kiện bắt buộc phải có, ảnh hưởng đáng kể đến chi phí xây nhà nói chung. Tùy vào diện tích, quy mô xây dựng mà chi phí xin cấp giấy phép xây dựng dao động từ 3 đến 15 triệu. Chi phí thực hiện hồ sơ thiết kế thi công hoàn chỉnh được tính bằng tổng diện tích xây dựng nhân với đơn giá thiết kế.
Nhà 3 tầng 1 tum, 4x12m có tổng diện tích xây dựng khoảng 240m2. Chi phí thiết kế sẽ là: 240 x đơn giá thiết kế. Đơn giá thiết kế trung bình của nhà ống hiện nay 180.000 đồng/m2. Cách tính tổng diện tích xây dựng sẽ được đề cập chi tiết bên dưới.
Lời khuyên dành cho bạn là tìm một nhà thầu uy tín thiết kế, xây dựng trọn gói hỗ trợ xin giấy phép xây dựng miễn phí, giảm trừ phần nào chi phí thiết kế, từ đó giúp tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ trong giai đoạn chuẩn bị xây nhà.
Dự trù kinh phí trong quá trình xây nhà
Xây nhà được chia làm 2 giai đoạn: Xây nhà phần thô và phần hoàn thiện. “Xây nhà trọn gói – Chìa khóa trao tay” là gói xây dựng cả phần thô và hoàn thiện cho ngôi nhà không kèm theo nội thất.
Phần thô sau khi đã thực hiện xong
Chi phí xây nhà sẽ được tách riêng theo 2 giai đoạn trên. Để dự trù kinh phí trong giai đoạn này, cần biết tổng diện tích xây dựng của ngôi nhà. Dưới đây, kiến trúc sư của công ty Kiến trúc Xây dựng Song Phát sẽ hướng dẫn cách tính tổng diện tích xây dựng đơn giản chỉ dựa theo diện tích đất và quy mô xây dựng. Cụ thể như sau:
(Hệ số diện tích của mỗi tầng + hệ số phần móng, mái, sân) x chiều dài x chiều rộng x đơn giá phần thô hoặc đơn giá hoàn thiện trọn gói.
Đối với nhà 3 tầng 1 tum, diện tích 4x12m, mỗi tầng ta sẽ tính hệ số theo diện tích là 1. Như vậy, nhà 3 tầng 1 tum có hệ số là 4. Luôn cộng thêm 1,3 – là hệ số diện tích theo phần móng, mái, sân…
Đơn giá xây thô trung bình 3.200.000 đồng/m2 và đơn giá hoàn thiện trọn gói 5.200.000 đồng/m2. Theo công thức trên:
(4 + 1,3) x 4 x 12 x 3.200.000 = 814.080.000. Giá xây thô cho nhà 3 tầng 1 tum 4x12m sẽ khoảng 810.000 đồng.
(4 + 1,3) x 4 x 12 x 5.200.000 = 1.322.880.000. Giá xây hoàn thiện trọn gói cho nhà 3 tầng 1 tum 4x12m sẽ vào khoảng 1.300.000 đồng.
Khi đã được cấp giấy phép xây dựng, có đầy đủ diện tích móng, mái, thông tầng, sân trước, sân sau thì công ty xây dựng sẽ tính tổng diện tích xây dựng chính xác hơn nữa.
Lưu ý: Đơn giá tính theo m2 trên không bao gồm chi phí tháo dỡ nhà cũ để chuẩn bị mặt bằng thi công và chi phí ép cọc. Dựa trên điều kiện thực tế, tùy vào nền đất mạnh hay yếu và sử dụng loại cọc nào mà sẽ có chi phí phù hợp. Chủ đầu tư có thể dự trù kinh phí từ 30 triệu đến 150 triệu cho hạng mục này.
Chủ đầu tư cần dự trù thêm kinh phí giải phóng mặt bằng thi công và chi phí ép cọc khi tính toán chi phí xây nhà.
Kinh phí trong giai đoạn xây nhà rất lớn, phụ thuộc nhiều vào chủng loại vật tư. Một cách giúp hoạch định chi phí hiệu quả là sự thống nhất giữa chủ đầu tư và kiến trúc sư. Chủ đầu tư cần phải bàn bạc với kiến trúc sư về giới hạn chi phí mà mình sử dụng trong thiết kế và xây dựng để đảm bảo công trình sau hoàn thiện sẽ phù hợp với khả năng tài chính của gia đình mình.
Những nhà thầu uy tín, giàu kinh nghiệm có thể đưa ra báo giá dự toán chi tiết, trong đó liệt kê tất cả hạng mục công việc, khối lượng, chủng loại vật tư, đơn giá vật tư, kể cả tiền lương nhân công, từ đó giúp chủ đầu tư hạn chế tối đa chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng.
Chủ đầu tư không nên ký hợp đồng với nhà thầu báo giá theo m2 với bảng chủng loại vật tư chung chung vì chi phí phát sinh có thể đội lên tới hàng trăm triệu, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ.
Dự trù kinh phí sau khi ngôi nhà đã xây dựng xong
Sau khi công trình xây dựng được hoàn thành, nhà thầu sẽ cung cấp cho chủ đầu tư Biên bản kiểm tra của thanh tra xây dựng và Bản vẽ điện nước hoàn công để chủ đầu tư có thể trực tiếp tiến hành làm thủ tục hoàn công. Đây là điều kiện để cấp/đổi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, trong đó thể hiện những thay đổi về hiện trạng nhà đất sau khi thi công. Chi phí hoàn công khoảng từ 5 đến 30 triệu tùy quy mô xây dựng.
Còn lại kinh phí trong việc sắm sửa nội thất, dựa vào nhu cầu của mỗi thành viên mà gia chủ có thể lựa chọn sao cho phù hợp.
Dự trù kinh phí xây nhà sẽ giúp chủ đầu tư an tâm trong quá trình xây dựng. Hãy cộng thêm 10% tổng số kinh phí vừa tính toán được để dự trù kinh phí phát sinh phòng khi chủ đầu tư muốn thay đổi thiết kế ban đầu hay thay đổi sang vật tư tốt hơn.