Vì muốn sống trong không gian đậm chất Việt, gia chủ đã thiết kế nội thất theo phong cách Indochine cho biệt thự xây sẵn có phần ngoại thất mang phong cách Pháp.

Khi mua căn biệt thự 400 m2 tại thành phố Thủ Đức được xây sẵn theo phong cách Pháp, anh Việt Dũng đã quyết định chọn phong cách Indochine để thiết kế nội thất với mong muốn không gian sống gần gũi, quen thuộc hơn với mọi thành viên trong gia đình.

Phong cách Indochine kết hợp giữa kiến trúc tân cổ điển Pháp và các chất liệu truyền thống Á Đông, cho phép phối hợp giữa nét hiện đại và văn hóa đặc trưng dân tộc.

 

Màu chủ đạo của căn hộ là trắng, kết hợp nâu trầm của nội thất – màu sắc điển hình của phong cách Indochine. Nội thất sử dụng vật liệu thuần Việt như gỗ, tre, gốm, vải bố, rèm lụa… vừa thể hiện tính bản địa, vừa mang tính thẩm mỹ cao, tạo cảm giác thân thuộc cho gia chủ.

Trong phong cách nội thất Indochine, gạch bông thường được sử dụng lát sàn. Từ phòng khách cho tới bếp, loại gạch này được sử dụng ở những không gian chính, vừa tạo điểm nhấn, vừa làm mềm không gian.

Phòng ăn được mở rộng so với thiết kế cũ của chủ đầu tư, có thể sử dụng cho các bữa tiệc lớn, tiếp đãi 14-20 khách một lúc.

Dấu ấn phong cách Indochine thể hiện rõ nhất ở khu vực phòng ăn là chi tiết gỗ ốp trần, nội thất mây tre đan ở hệ rèm cửa cùng các họa tiết trang trí truyền thống.

Ngăn giữa phòng ăn và khách là một bức vách bằng gỗ chạm khắc tinh xảo. Bàn ghế ăn, cầu thang… cũng được làm thủ công hoàn toàn.

Gỗ tự nhiên (óc chó) trong các không gian của căn hộ theo đúng phong cách đặc trưng Indochine. Hệ cửa, khung trần nhà, đồ nội thất, vật dụng trang trí, chạm khắc phù điêu,… đều chế tác từ chất liệu gỗ có tuổi thọ cao, khả năng chịu nhiệt, chịu lực tốt, phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Khu vực sảnh của tầng hai được cải tạo thành khu vực đọc sách và bàn làm việc với trần khắc họa chi tiết trống đồng Đông Sơn.

Ngoài gỗ, nội thất vải của căn hộ được nhập từ châu Âu nhằm pha trộn, giao thoa hai nền văn hóa. Những chiếc đôn, lọ hoa, chậu rửa…. bằng men gốm cổ xưa đa phần đều do chủ nhà sưu tầm, số còn lại do các nghệ nhân tại Biên Hòa thực hiện.

Trong nhà có rất nhiều tranh mang đậm truyền thống văn hóa Việt Nam. Như tranh sơn mài tại phòng ăn hay tranh màu nước về đồng lúa miền Tây, tranh sơn dầu đồng quê miền Bắc… được treo ở nhiều không gian khác nhau trong nhà.
Bức tường ngăn giữa phòng ngủ và phòng vệ sinh ở tầng hai được thay thế bằng bức phù điêu gỗ chạm khắc, giống như những mảnh ghép nhỏ cửa sổ cũ thời Pháp. Bức phù điêu không chỉ có công dụng phân tách không gian mà như một tác phẩm nghệ thuật cổ điển.

Khu vệ sinh cũng được lát gạch bông truyền thống.

Theo gia chủ, ngôi nhà sử dụng hơn 20 mẫu gạch bông khác nhau với màu sắc và kiểu dáng đa dạng, giúp không gian trở nên sinh động, không bị nhàm chán.

Phòng ngủ master được thiết kế như trong cung điện Á đông xưa.

Với gam gỗ trầm đen sơn mờ của nội thất kết hợp với sơn tường xanh lá, cùng tranh vẽ đầu giường họa tiết cổ điển… mang đến chất hoài cổ cho không gian phòng ngủ

Theo gia chủ, khó khăn lớn nhất khi thiết kế nội thất cho ngôi nhà là các chi tiết trang trí.

“Nhà có hơn 10 loại chỉ tường, 20 loại gạch bông, cùng rất nhiều chi tiết thủ công. Phần nào làm trước, phần nào làm sau, rồi làm thế nào để ngôi nhà đậm chất Việt nhưng vẫn sang trọng kiểu châu Âu… là khó khăn lớn nhất mà tôi và nhóm thi công đã trải qua”, anh Việt Dũng kể.

Những hình tượng linh vật được xem là đem đến may mắn trong văn hóa phương Đông được ứng dụng trong phòng ngủ.

Mặt bằng nội thất của công trình.

Vì thi công bị gián đoạn nhiều lần do vướng dịch Covid-19 nên thời gian hoàn thành công trình bị kéo dài. Dù khởi công từ năm 2020 nhưng đến tháng 8/2022 mới hoàn thành. Chi phí chủ nhà không tiết lộ.

 

Trang Vy
Thi công: TH Interior- Design&Build