Nhà ống thường có diện tích khiêm tốn nên được chồng thành nhiều tầng để tăng diện tích sử dụng. Do đó, so với các loại hình nhà ở khác, cầu thang là một hạng mục rất quan trọng với nhà ống. Để có phong thủy cầu thang nhà ống tốt, khi bố trí gia chủ cần đặc biệt lưu ý về vị trí và cách sắp đặt.
Chọn vị trí cầu thang nhà ống để có phong thủy tốt
Cũng như phong thủy cầu thang trong nhà ở nói chung, khi bố trí cầu thang nhà ống, trước hết gia chủ cần tuân thủ những nguyên tắc về kỹ thuật để đảm bảo sự thuận tiện trong sử dụng và hài hòa trong thiết kế, kiến trúc. Tiếp theo là đảm bảo các yếu tố về phong thủy, trong đó tiên quyết nhất là chọn vị trí đặt cầu thang.
– Đặt cầu thang ở khu vực giữa nhà
Nhà ống có nhược điểm dễ nhận thấy nhất là hẹp về chiều ngang. Do đó, cầu thang trong nhà ống thường có lối đi lên từ chính giữa nhà, thay vì đi lên từ một bên tường như các loại nhà ở khác. Khi đó, cầu thang sẽ chia ngôi nhà thành 2 phần: một bên là khu vực bếp nấu hoặc phòng ngủ, một bên là phòng khách, chỗ để xe.
Bố cục này được sử dụng khá phổ biến trong những năm trước đây, vì có thể tận dụng cầu thang để phân vùng các khu chức năng. Tuy nhiên, trước khi xác định vị trí đặt cầu thang, gia chủ cần phân cung lập hướng cho ngôi nhà, tránh đặt cầu thang ở chính giữa trung cung. Đây là một cách cục rất xấu, vì trung cung là khu vực cần thoáng đãng, không bị cản trở. Hơn nữa trung cung thuộc Thổ, cầu thang thuộc Mộc, nếu đặt cầu thang tại đây sẽ tạo ra những năng lượng xung đột.
Như vậy, với phương án đặt cầu thang ở giữa nhà, gia chủ nên chọn vị trí cầu thang lùi hẳn về một bên nhà, không đặt chính giữa.
– Đặt cầu thang ở một bên tường, lệch so với cửa chính
Đây là một lựa chọn vị trí tốt hơn về phong thủy và phù hợp với bố cục thiết kế mở trong những ngôi nhà ống hiện đại. Cách bố trí này cũng giúp khu vực phía trong được cung cấp ánh sáng đầy đủ, các phòng chức năng có sự liên kết mở, rất thông thoáng.
Nếu chọn đặt cầu thang theo phương án này, nên có đảo bếp, quầy bar hoặc bình phong che chắn khu bếp, để tránh rơi vào thế “lộ táo”.
Lưu ý, dù chọn bố trí cầu thang ở giữa hay lệch về một bên nhà, gia chủ cũng cần tránh để cầu thang đối diện với cửa chính hoặc nhà vệ sinh.
– Đặt cầu thang ở phía cuối nhà
Với những ngôi nhà ống có chiều sâu vừa phải, một số gia chủ chọn cách đặt cầu thang ở cuối nhà, kết hợp với giếng trời. Đây cũng là một phương án tốt, nếu các khu chức năng được bố trí cân đối, hợp lý và không cản trở lưu thông qua lại. Với phương án này, gia chủ cần chú ý không để lối đi lên cầu thang hướng ra cửa hoặc đối diện nhà vệ sinh, phòng bếp.
Cách bố trí cầu thang nhà ống để có phong thủy tốt– Không nên bố trí tiểu cảnh nước, hòn non bộ dưới gầm cầu thang nhà ống
Nhà ống nhỏ hẹp nên không có sân vườn, những chủ nhà muốn có không gian xanh thường chọn gầm cầu thang để bố trí tiểu cảnh nước, hòn non bộ. Tuy không tạo ra năng lượng xung đột nhưng gầm thang là nơi thiếu sáng, để tiểu cảnh nước dễ sinh khí tù đọng, không tốt về phong thủy.
Để tạo góc thư giãn nhỏ cho nhà ống, gia chủ nên tạo một tiểu cảnh khô dưới gầm thang với sỏi, đá, cành cây khô, đồ gốm… Cách bố trí này giúp tận dụng gầm thang và có thêm không gian sinh động cho ngôi nhà. Nếu muốn có thêm khoảng xanh cho nhà ống, nên chọn các loại cây cảnh trong chậu.
Ngoài tiểu cảnh khô, cách tận dụng gầm cầu thang nhà ống tốt nhất là để kệ lưu trữ, tủ chứa đồ đạc, nên thiết kế khép kín để tránh bụi bẩn.
– Không nên bố trí khu chức năng ở, sinh hoạt dưới gầm cầu thang nhà ống
Diện tích nhà ống rất hạn hẹp vì vậy nhiều người thường tận dụng gầm cầu thang để bố trí phòng bếp, phòng làm việc, hay thường thấy nhất là phòng vệ sinh. Những cách bố trí này đều không tốt về mặt phong thủy.
Các khu chức năng dưới gầm cầu thang nhà ống tuy tận dụng được diện tích nhưng có nhiều bất tiện.
Bởi lẽ khu vực dưới gầm thang thường khá chật chội, khi lưu thông sẽ gây tiếng ồn, bụi bẩn rơi xuống dưới… nên không thích hợp với các chức năng sinh hoạt. Với nhà vệ sinh, đây là nơi phát sinh ra những khí xấu, mà cầu thang là nơi dẫn khí nên sẽ đưa những khí xấu này lên các phòng phía trên. Ngoài ra, cầu thang cần đặt ở vị trí tốt, còn nhà vệ sinh lại hợp với các vị trí hung trong nhà, bố trí nhà vệ sinh dưới gầm thang sẽ làm giảm cát khí của cầu thang.
– Không nên chọn cầu thang xoắn ốc cho nhà ống
Cầu thang xoắn ốc rất được ưa chuộng trong các không gian sống nhỏ hẹp như nhà ống bởi kiểu dáng thanh nhã, chiếm rất ít diện tích. Tuy nhiên, về mặt phong thủy, cầu thang xoắn ốc gây thoái khí, khí dẫn lên bị xoắn theo trục dọc tạo sự bất ổn, nếu đặt giữa nhà lại càng xấu, khiến sinh khí bị hút cạn.
– Nên có thêm giếng trời để tăng dương khí cho nhà ống
Nhà ống tại các đô thị thường có diện tích bề ngang nhỏ hơn rất nhiều so với chiều sâu. Hơn nữa, nhà ống thường cũng chỉ có một mặt thoáng duy nhất chính là mặt tiền, nên những không gian phía trong thường tối tăm, thiếu dương khí. Do đó, giếng trời là một phần rất cần thiết với nhà ống, giúp mang lại ánh sáng tự nhiên, gió, không khí, tăng cường dương khí cho ngôi nhà. Gia chủ có thể thiết kế kết hợp giếng trời với cầu thang ở khu vực giữa nhà, hoặc bố trí giếng trời riêng phía cuối nhà. Kích thước giếng trời cần phù hợp với diện tích nhà, bên dưới có thể đặt vài chậu cây xanh để mang lại sinh khí tươi mới cho không gian sống.
Zing Cons ( Z I C O )