Nhắc đến vật phẩm địa lý phong thủy lâu đời của Á Đông không thể không nhắc tới thước Lỗ Ban. Có thể nói đây là vật phẩm thể hiện cát – hung nhanh nhất dựa vào các thông số đo đạc. Bài viết hôm nay, Batdongsan.com.vn sẽ cung cấp một số thông tin giúp độc giả hiểu được thước Lỗ Ban là gì cũng như cách dùng thước Lỗ Ban chuẩn theo phong thủy.
1. Thước Lỗ Ban là gì?
Thước Lỗ Ban là loại thước chuyên dùng để đo đạc và quyết định kích thước trong xây dựng, kiến trúc và nội thất. Đây cũng là vật phẩm quan trọng của khoa học phong thủy nói chung và địa lý phong thủy nói riêng.
Thước Lỗ Ban ngoài tác dụng lấy số đo như các loại thước thông thường thì nó còn đánh dấu và chia các khoảng số đo thành nhiều cung khác nhau. Khoảng kích thước chia vào cung đỏ (cung tốt) tượng trưng cho điềm lành, nên dùng và ngược lại, kích thước trong cung đen (cung xấu) tượng trưng cho điều xấu, cần tránh.
Thước Lỗ Ban là loại thước phong thủy rất phổ biến
Loại thước này được lấy tên theo một nhân vật nổi tiếng dưới thời Trung Quốc cổ đại và nó vẫn được lưu truyền cũng như sử dụng đến ngày nay.
Lỗ Ban là ai?
Lỗ Ban không phải là tên riêng của một người. Cụm từ này được người dân Trung Quốc đặt ra để gọi “ông Ban người nước Lỗ”.
Vào thời Xuân Thu (khoảng năm 770 đến 476 trước Công Nguyên), nước Lỗ (một phần của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện nay) có người thợ mộc nổi tiếng tên là Công Du Ban (cũng có nơi ghi là Công Thâu Ban). Đến nay, Công Du Ban vẫn được mệnh danh là ông tổ ngành xây dựng của nước này.
Tương truyền rằng khi Công Du Ban sinh ra, quê nhà ông đã có nhiều đàn sếu bay tới, mang theo mùi hương thoang thoảng, dễ chịu. Người dân địa phương coi đây là điềm lành, báo hiệu một vị thần sắp hạ thế. Quả nhiên Công Du Ban từ nhỏ không hề hứng thú với việc tập viết hay đọc sách mà sớm bộc lộ năng khiếu đặc biệt trong điêu khắc.
Công Du Ban đã bắt đầu làm thợ thủ công chuyên về nghề mộc từ năm 15 tuổi. Ông nhanh chóng trở thành cây đại thụ của nghề mộc cũng như phong thủy trong kiến trúc Trung Hoa cổ đại.
Một trong các phát minh để đời của Công Du Ban để lại cho hậu thế chính là thước Lỗ Ban hay còn gọi là Lỗ Ban xích. Sở dĩ ông phát minh ra một loại thước hoàn toàn mới là vì các loại thước phục vụ địa lý phong thủy thời bấy giờ như Áp Bạch xích và Đinh Lan xích chưa tối ưu và tiện lợi.
Công Du Ban đã sử dụng vốn hiểu biết về phong thủy và sáng tạo ra cách sắp xếp các khoảng tốt – xấu mới trên một bề mặt thước. Mục đích của ông là tạo ra một loại thước phong thủy đơn giản, dễ sử dụng mà có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Sau này, loại thước của Công Du Ban trở nên thông dụng lớn và được mọi người gọi là thước Lỗ Ban.
Cấu tạo, đặc điểm của thước Lỗ Ban
Chiều dài của chiếc thước Lỗ Ban đầu tiên chỉ khoảng nửa mét, không được tiện lợi khi đo đạc nên ngày nay người ta đã xếp nhiều thước nhỏ thành các mẫu thước dài hơn hẳn để bày bán ngoài thị trường. Thước thường có 3 hoặc 4 hàng, trong đó hàng số 1 sẽ là vạch chỉ kích thước, hàng 2 và 3 là các chữ chỉ tên cung, hàng số 4 (nếu có) sẽ là các vạch kích thước.
Về mặt hình hình thức, điều dễ nhận thấy nhất của thước Lỗ Ban là hai màu sắc cơ bản, được xếp thành các khoảng đan xen nhau. Màu đỏ trên thước biểu thị cung có ý nghĩa tốt, thuận lợi cho gia chủ và màu đen biểu thị các khoảng kích thước xấu, cần tránh. Trong mỗi cung tốt và xấu lại có các cung nhỏ hơn, các cung này sẽ được đặt tên để chỉ rõ là tốt hoặc xấu cho những việc gì.
Các cung trên thước được xếp theo thứ tự từ trái qua phải, đứng liên tiếp nhau. Chúng sẽ lặp lại đúng thứ tự ban đầu khi hết một chu kỳ.
Trên thước có chia thành hai hàng chữ, hàng trên và hàng dưới. Hai hàng này đôi khi có các cung tốt và xấu đan xen nhau. Điều này đồng nghĩa với việc cùng một kích thước nhưng nó có thể mang ý nghĩa tốt ở hàng này và xấu ở hàng kia, tức là kích thước này vẫn còn điểm bất ổn. Khi đo đạc, bạn nên chú ý sao cho kích thước thỏa mãn được cả hai hàng Lỗ Ban là đẹp nhất.
Hình ảnh các thông số được ghi trên thước Lỗ Ban
Phân loại
Hiện nay các loại thước Lỗ Ban đã được chia thành 3 nhóm như sau:
– Thước gỗ: Đây là loại thước truyền thống, tuy nhiên ngày nay không còn xuất hiện phổ biến nữa, chủ yếu chỉ còn được sử dụng trong phong thủy hoặc tại Đài Loan. Thước gỗ này dài 1 thước 4 tấc 4 phân (tương đương 42,9 cm), được chia theo 8 phần thuộc Bát Quái.
– Thước dây, thước cuộn: Đây là loại thước phổ biến, được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Tùy vào thiết kế mà chúng có thể được làm từ nhựa hoặc sắt dẻo. Chúng cũng khá đa dạng về kích thước nhưng có 3 loại thường được dùng hơn cả là thước 52,2 cm, 42,9 cm và 39 cm. Chúng còn được gọi là thước Lỗ Ban cửa cổng hoặc thước Lỗ Ban kiến trúc.
Thước Lỗ Ban 52.2 cm là loại phổ biến hàng đầu hiện nay
– Thước Lỗ Ban online: Do thước được sử dụng với mục đích để tra cứu phong thủy là chính nên người ta đã dùng công nghệ để tổng hợp thước thành hệ dữ liệu chung. Bạn chỉ cần tải các app điện thoại hoặc tải các dạng thước online về máy tính là đã có thể sử dụng như bình thường
Ý nghĩa của thước lỗ ban là gì?
Thước Lỗ Ban đã kế thừa được các kinh nghiệm của người Trung Hoa cổ đại về quy luật chung của sinh thái, mối quan hệ giữa con người và vũ trụ. Theo đó, sẽ có những con số biểu thị kích thước hoặc không gian tương đương với sự phát triển cũng như lụi tàn của sinh mệnh. Thước Lỗ Ban sinh ra để tổng hợp các con số ngụ ý tốt hoặc xấu này.
Thước chính là căn cứ để con người xác định được đâu là kích thước tốt lành, đâu là kích thước ứng với sự xui xẻo. Nhờ vào căn cứ này mà chúng ta có thể điều chỉnh các số đo trong thiết kế của mình sao cho công trình được xây dựng hài hòa với tự nhiên nhất. Nhiều người tin rằng, nếu ngôi nhà hoặc công trình của mình xây đúng theo các kích thước đẹp thì vạn sự sẽ như ý.
Tuy nhiên, xin lưu ý rằng thước không có tác dụng cải số, thay đổi số mệnh. Một sự việc xét theo góc nhìn phong thủy cần được xem xét bởi nhiều yếu tố hơn là các số đo về kích thước. Dù vậy về mặt thực tế, các thông số tốt trên kích thước Lỗ Ban vẫn được ứng dụng cho đến ngày nay vì có độ chính xác cao, đảm bảo thẩm mỹ và tiện dụng.
Thước Lỗ Ban có các thông số chuẩn về kích thước hiện vẫn được ứng dụng trong kiến trúc và nội thất
Các lĩnh vực đang có sự ứng dụng của thước Lỗ Ban nhiều nhất là nội thất, kiến trúc và phong thủy địa lý. Có thể nói loại thước này đã bổ sung thêm một yếu tố rất quan trọng vào quan niệm “Nhất vị, Nhị hướng”, đó là kích thước phong thủy.
2. Cách xem thước Lỗ Ban chuẩn
Nhìn chung, mỗi loại thước Lỗ Ban lại được ứng dụng để đo các hạng mục khác trong trong một công trình cụ thể. Kiến trúc sư thiết kế hoặc gia chủ cần xem xét, dựa vào công năng của hạng mục cần đo mà chọn loại thước cho phù hợp. Sau khi đã chọn được loại thước thích hợp thì cần xác định xem bản thân đang mong cầu điều gì để dịch chuyển số đo thiết kế đến đúng cung tương ứng.
Cách sử dụng thước Lỗ Ban chuẩn theo phong thủy đã được đúc kết lại như sau:
Thước 52,2 cm (thước Thông thủy):
Đây là loại thước chuyên dùng để đo các khoảng không thông thủy, các khoảng rỗng trong công trình. Đặc điểm của các khoảng này là có thể hút sáng, hút gió như khu vực giếng trời, các ô cửa chính, cửa sổ,… Vì lý do này mà loại thước này còn được gọi là thước Lỗ Ban cửa.
Bảng kích thước Lỗ Ban cửa
Thước 42,9 cm (thước Dương trạch):
Loại thước này chuyên được dùng để đo các khối đặc, lớn trong công trình như các bệ, bậc, bếp, phủ bì khối nhà,… Cũng có trường hợp thước này được dùng để đo các chi tiết xây dựng và đồ nội thất trong gia đình.
Thước 39 cm (thước Âm phần):
Đây là dạng thước chuyên được dùng để đo các kích thước tâm linh, liên quan đến âm phần như mồ mả hoặc nội thất thờ cúng như bàn thờ, tủ thờ,…
Sau khi đã xác định được loại thước thích hợp cho trường hợp đo đạc của mình thì ngoài việc đảm bảo kích thước thuộc cung tốt, bạn còn cần đảm bảo tối ưu hóa nó. Nói dễ hiểu thì kích thước bạn chọn nên thuộc cung tốt, có ý nghĩa trực tiếp với điều bạn đang cầu mong. Ví dụ như bạn đang cầu có con thì hãy chọn các kích thước ứng với cung Quý Tử, muốn an lành thì chọn cung Phú Quý,…
Trong trường hợp bạn không có mong cầu gì đặc biệt, chỉ muốn chọn được kích thước mang ý nghĩa tốt lành thì có thể chọn kích thước theo công thức “Đen bỏ – Đỏ dùng”. Đây là cách chọn kích thước dựa theo thước Lỗ Ban chung nhất, tuy nhiên nó vẫn còn mang tính chất khá tương đối. Lý do là vì đôi khi cung đỏ lại mang ý nghĩa không viên mãn với một số người, một số con giáp đặc biệt.
Ngoài ra, để đo được kích thước chuẩn và đem đối chiếu với thước Lỗ Ban thì bạn cần lưu ý một số điều như sau:
- Khi đo cửa tuyệt đối không đo cánh cửa, chỉ đo phần thông khí thuộc khung cửa.
- Nếu đo chiều cao nhà thì cần tính cả lớp lát sàn (nếu có), tức là đo từ cốt sàn dưới đến cốt sàn trên mới chính xác.
- Nếu đo kích thước của các vật dụng trong nhà thì cần đo chiều cao, chiều dài, chiều rộng, đường kính (nếu có) và đặc biệt là kích thước phủ bì.
3. Giải mã một số ý nghĩa của các cung trên thước Lỗ Ban
Để bạn có thể nắm được rõ hơn cách sử dụng thước Lỗ Ban, ZingCons sẽ lý giải ý nghĩa một số cung của các loại thước phổ biến như sau:
Đối với thước Lỗ Ban 52,2 cm
Loại thước này có chiều dài chính xác là 522 mm, được chia thành 8 cung nhỏ hơn, mỗi cung dài khoảng 65 mm. Các cung này sắp xếp từ trái qua phải như sau:
– Cung Quý nhân (tốt): Đây là cung chỉ gia cảnh hòa thuận, dễ có quý phân phù trợ, kinh doanh thuận lợi, tiền vào như nước, bạn bè đều là người tín nghĩa, con cái hiếu thuận, sáng dạ. Cung Quý Nhân chia thành 5 cung nhỏ gồm Quyền lộc, Trung tín, Tác quan, Phát Đạt và Thông minh.
– Cung Hiểm họa (xấu): Cung này là một trong những cung có ý nghĩa rất xấu cho gia chủ. Nếu vướng vào cung này thì cả nhà dễ phải tán gia bại sản, thân nhân ly tán, bần hàn, túng quẫn, sức khỏe suy kiệt và hậu nhân bất hiếu. Các cung nhỏ của Hiểm họa lần lượt là Án thành, Hỗn nhân, Thất hiếu, Tai họa và Trường bệnh.
– Cung Thiên tai (xấu): Đây cũng là một cung rất xấu đối với gia chủ. Thường thì dính vào cung Thiên tai dễ khiến âm đức bị tổn hại, tai ương liên miên, bệnh tật hoành hành, vợ chồng xô xát, cãi vã, li tán, con cái lâm nạn, thậm chí là họa sát thân. Thiên tai sẽ chia các cung nhỏ gồm Hoàn tử, Quan tài, Thân tàn, Thất tài và Hệ quả.
– Cung Thiên tài (tốt): Cung Thiên Tài là một trong những cung tốt cho các tài năng thiên hướng về xã hội, tốt cho cả tiền tài và danh vọng. Cung này chủ yếu tốt cho việc thi cử, may mắn thay vì tiền của và kinh doanh. Các cung nhỏ của Thiên tài bao gồm Thi thơ, Văn học, Thanh quý, Tác lộc và Thiên lộc.
– Cung Nhân lộc (tốt): Có thể nói trong thước Lỗ Ban thì cung Nhân lộc là cung thường được mọi người chọn nhất. Lý do là vì cung này có 5 cung nhỏ đều mang ý nghĩa cực tốt lành gồm Trí tôn (con cái học hành tấn tới), Phú quý, Tiến bửu (việc làm ăn, sự nghiệp phát triển thuận lợi), Thập thiện (toàn gia được yên bình hưởng phúc) và Văn chương.
– Cung Cô độc (xấu): Các cung nhỏ thuộc Cô Độc sẽ nói lên chính xác nhất sự xui xẻo của cung đo này. Chúng lần lượt là Bạc nghịch, Vô vọng, Ly tán, Tửu thục và Dâm dục.
– Cung Thiên tặc (xấu): Cung này cũng đem lại nhiều tai bay vạ gió cho gia chủ. Nếu phạm vào cung này, khả năng cao là bạn sẽ mắc bệnh nặng đột ngột hoặc vướng họa sát thân, vào tù ra tội và tệ hơn mà chết chóc.
– Cung Tể tướng (tốt): Cung Tể tướng cũng là một trong những cung tốt lành mà mọi người nên chọn. Trong cung Tể tương, các kích thước đều mang ý nghĩa may mắn gồm Đại tài, Thi thơ, Hoạch tài, Hiếu tử và Quý nhân. Nhìn chung, chọn số đo thuộc cung này sẽ giúp tương lai gia chủ thập phần rạng rỡ.
Đối với thước Lỗ Ban 42.9 cm
Loại thước này có chiều dài 429 mm và cũng được chia làm 8 cung lớn nhưng được gọi tên khác so với thước 52,2 cm. Tên của 8 cung này lần lượt là Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa, Quan, Nạn, Hại, Mạng. Ngoại trừ các cung Bệnh, Ly, Nạn, Hại thì các cung còn lại đều mang ý nghĩa rất may mắn và tốt lành:
– Cung Tài: Đây là cung khá phổ biến đối với thước Lỗ Ban 42,9 cm. Cung này sẽ cho gia chủ Tài đức, Bảo khố, Lục hợp hoặc Nghênh phúc. Nhìn chung, cung Tài chủ yếu đáp ứng các thỉnh cầu liên quan đến tài lộc hoặc phúc đức.
– Cung Nghĩa: Nếu bạn đang muốn nhận được may mắn và đặc biệt là muốn trong nhà thêm người thì rất nên chọn các kích thước thuộc cung này. Cung này sẽ cho bạn Thêm đinh, Lợi ích, Quý tử hoặc Đại cát.
– Cung Quan: Cung này chủ yếu giúp gia chủ phát về con đường thăng tiến, công danh sự nghiệp, tiền tài và địa vị đều rạng rỡ, giàu sang, phú quý, đề huề. Các cung nhỏ được chia ra từ cung Quan bao gồm Thuận khoa, Hoạch tài, Tấn ích, Phú quý.
– Cung Mạng: Cung Mạng sẽ phò trợ gia chủ trong việc thi cử, hỗ trợ việc làm ăn, đưa quý nhân đến hóa giải các tình thế bất lợi và đem đến tài lộc. Bốn cung nhỏ bao gồm Tài chí, Đăng khoa, Tiến bảo và Hưng vượng.
Đối với thước Lỗ Ban 39 cm
Loại thước này dài 390 mm và được chia thành 10 cung lớn như sau:
- Cung Đinh (tốt): Cung Đinh chủ yếu tốt về đường con cái, phúc lộc vào nhà.
- Cung Hại (xấu): Cung Hại dễ khiến gia chủ tuyệt tự hoặc gặp bệnh tật, ốm đau.
- Cung Vượng (tốt): Cung Vượng mang đến sự may mắn về tiền của và hỷ sự.
- Cung Khổ (xấu): Vướng phải cung Khổ thì gia chủ sẽ lận đận, phải chịu nhiều cay đắng một đời.
- Cung Nghĩa (tốt): Đây là một cung đại cát, gặp được may mắn cả về tiền của cũng như lợi ích.
- Cung Quan (tốt): Cung này mang đến may mắn về thi cử, đỗ đạt thành tài.
- Cung Tử (xấu): Cung Tử là cung đại hung, dễ khiến gia chủ phải đối mặt với tình huống vong thân.
- Cung Hưng (tốt): Cung Hưng mang dấu hiệu của sự hưng thịnh, phát đạt về đường con cái.
- Cung Thất (xấu): Liên quan đến cung này dễ gặp tai vạ, mất hết tiền bạc, của cải, hao tổn tinh thần.
- Cung Tài (tốt): Cung Tài sẽ cho gia chủ phúc lộc cũng như tiền của dồi dào.
-
Bảng kích thước thể hiện 10 cung thuộc thước Lỗ Ban
Trên đây là những thông tin chúng tôi tổng hợp được nhằm giúp bạn đọc hiểu được thước lỗ ban là gì cũng như sơ lược cách sử dụng thước Lỗ Ban chuẩn theo phong thủy, cách nhận biết cung tốt – xấu được thể hiện trên thước,… Hi vọng qua đây có thể giúp sử dụng thước Lỗ Ban một cách hiệu quả, tối ưu trong việc điều chỉnh phong thủy nhà ở sao cho tốt nhất.
zingcons