Nhiều gia chủ thích trang trí tiểu cảnh nước trong nhà vì cầu mong “tiền vô như nước”. Tuy nhiên, theo thực tế phong thủy Đông phương từ xưa, dùng Thủy trong nhà ở để tăng cát giảm hung không thuần túy chỉ là mấy hồ cá cảnh.
Lâu nay mọi người thường hiểu hai chữ “phong thủy” theo nghĩa từ nguyên là gió với nước. Cách hiểu này không sai, nhưng chỉ đề cập được vấn đề cơ bản của môi trường sống. Tiểu cảnh bể cá, non bộ trong nhà là biểu tượng cho sự luân chuyển dồi dào, cùng với đó là ý nghĩa tài lộc, thịnh vượng. Tuy nhiên, những tiểu cảnh này chủ yếu tác động vào các giác quan (nghe tiếng róc rách vui tai, nhìn thấy dòng nước và ngắm cá bơi lội vui mắt) nên ý nghĩa thiên về yếu tố tinh thần nhiều hơn.
Khi thiết kế tiểu cảnh, mặt nước cần có sự gắn kết với các khu chức năng sinh
hoạt cụ thể gia chủ dễ quan sát và chăm sóc thường xuyên hơn
Câu chuyện cần giải quyết trong thực tế là làm sao để nước không trở thành “gánh nặng” cho nhà. Một câu hỏi quan trọng mà gia chủ cần giải quyết là đưa nước vào bao nhiêu cho vừa? Còn các nhà chuyên môn sẽ phải giải quyết các vấn đề tồn tại sau:
– Đưa nước vào nhà quá nhiều và thiếu kiểm soát: chẳng hạn nếu tạo thành dòng suối hay thác nước gập ghềnh, chảy lan tràn trong giếng trời sẽ làm tăng độ ẩm trong nhà, gia chủ phải tốn kém chi phí bảo dưỡng. Do đó, cách bố trí này phù hợp hơn ở những nơi kinh doanh, công cộng.
– Bố trí nước sai vị trí, ảnh hưởng đến sinh hoạt: ví dụ vị trí gầm cầu thang là nơi tối tăm, ẩm thấp, nếu đặt hồ cá cảnh, hòn non bộ tại đây sẽ khiến không gian này thịnh âm, hơn nữa gia chủ cũng khó nhìn ngắm tận hưởng và lại khó dọn vệ sinh.
Hồ bơi trong nhà cũng là một tiểu cảnh nước, cần che chắn bảo vệ an toàn nếu nhà có trẻ nhỏ
Xét về phương vị, những ngôi nhà truyền thống thường mở cửa về hướng nam, thuộc quẻ Ly hành Hỏa. Đây là lý do vì sao cha ông ta thường đặt bể cảnh – hồ bán nguyệt – ở trước sân, nơi khá trống trải thoáng đãng, hơi nước bốc lên giúp nhà cửa mát mẻ hơn, làm dịu các xung đột trong gia đạo (là một cách dùng Thủy tụ để khắc Hỏa vượng).
– Tiểu cảnh nước chưa quan tâm đến sở thích, lứa tuổi của các thành viên trong nhà: chẳng hạn, với những gia đình có trẻ nhỏ thì phải lưu ý làm hồ cảnh, bể cá… đảm bảo an toàn. Cũng nên chọn hình dáng hồ nước tương sinh với nhà, ví dụ nhà vuông nên làm hồ tròn (Thổ – Kim) hay nhà dài nên làm hồ uốn lượn (Mộc – Thủy).
Với những tiểu cảnh nước “ăn chơi” thì càng đòi hỏi kỹ thuật và chi phí đầu tư, công sức bảo dưỡng tương xứng, gia chủ không nên bỏ bê vì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nội khí nhà ở. Với các căn hộ chung cư, gia chủ nên chọn loại bể cá hay sinh vật cảnh dễ dàng thay nước súc rửa. Còn với nhà biệt thự có nhiều khuôn viên vườn, gia chủ nên cân nhắc về hiệu quả và khả năng duy tu nếu định làm hồ bơi, tránh lãng phí và tạo ra vùng âm Thủy do ít sử dụng.
KTS Hoài An khuyên gia chủ nên áp dụng nguyên lý âm dương cân bằng trong việc bố trí tiểu cảnh nhà ở. Cụ thể, nếu là mặt nước (mang tính âm) thì phải kết hợp non bộ hay mảng tường nhô cao (mang tính dương). Đồng thời, tiểu cảnh nước cũng cần có chỗ dựa và thế nước chảy luân chuyển, nếu không sẽ tán khí. Gia chủ cũng có thể chọn kiểu vườn tối giản nguồn gốc từ tinh thần thiền của Nhật Bản kết hợp suối nước, cây xanh, sỏi đá chọn lọc tinh tế để gia tăng sinh khí cho nội thất.